Cánh cửa tài chính an toàn
cho lao động phổ thông
Việt Nam

Khảo sát năm 2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, khoảng 30% lao động phổ thông luôn trong tình trạng khó khăn, túng thiếu [1]. Phần lớn đang vật lộn với giá cả thị trường tăng chóng mặt, các khoản chi phí phát sinh đột xuất, cũng như trở thành đối tượng tiềm năng của các dịch vụ tài chính không an toàn.  

Thực trạng ấy đã mở ra cơ hội để công ty fintech ứng dụng công nghệ để gia tăng mức độ tiếp cận tài chính chính thống của lao động phổ thông . 

1/3 công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để chi tiêu 

Theo TS Vũ Tiến Minh, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, người lao động phải đi vay tiền để giải quyết vấn đề đời thường. 12% người lao động phải thường xuyên đi vay tiền để chi tiêu; 35,5% người lao động thỉnh thoảng (3-4 tháng/1 lần) phải đi vay tiền; 34,8% người lao động phải đi vay tiền 1 năm từ 1- 2 lần [2].  

Đa phần trong số đó đều không có tiền tích luỹ, không có nhà; và phải đi vay tiền để đóng học cho con và giải quyết chi phí thuốc men trong trường hợp ốm đau bệnh tật. 

Lương chỉ vừa đủ sống, khả năng tiếp cận với các nguồn tài chính chính thống lại hạn chế khiến nhiều công nhân phải tìm đến những giải pháp không an toàn và nhiều hệ lụy như rút sổ BHXH hay tín dụng đen. 

Qua khảo sát, có hơn 21% số người được khảo sát cho biết họ đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần [2]. Độ tuổi rút BHXH một lần ở Việt Nam ngày càng trẻ hoá, trung bình dưới 40 tuổi và hầu hết ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước [3].  

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành đang trở thành điểm nóng của nạn tín dụng đen. Bộ Công an đã phát hiện những hành vi dụ dỗ công nhân vay qua app, mạng xã hội với lãi suất lên tới 90 – 100%/ngày, thậm chí 700 – 1.000%/ tháng. Đứng trước cơn bão tín dụng đen đang đe dọa người lao động, nhiều doanh nghiệp đã phải gửi văn bản cầu cứu các cơ quan chức năng [4]. 

Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, về lâu dài ta cũng cần ứng dụng công nghệ để tiếp cận nhiều người lao động hơn, từ đó tăng cường tài chính vi mô cho đối tượng người yếu thế [5].  

Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện, công nghệ là một công cụ hữu ích nhằm giải quyết những rào cản hiện hữu trong tiếp cận tài chính nhân văn và an toàn. Trong đó, Chi và nhận lương linh hoạt là một chương trình phúc lợi tài chính thiết thực và an toàn cho cả doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là các đối tượng yếu thế. 

Nhận lương linh hoạt – chương trình phúc lợi tài chính thiết thực 

Nhận lương linh hoạt – Earned Wage Access (EWA) giúp người lao động chủ động nhận trước một phần thu nhập đã tích lũy, thay vì phải đợi tới ngày trả lương cố định.  

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã áp dụng mô hình này như một phúc lợi tài chính dành cho người lao động. Số liệu từ báo cáo “Nhận lương linh hoạt: Tác động bước đầu đến doanh nghiệp và người lao động Việt Nam” tháng 6/2022 của GIMO cho thấy EWA mang đến một số hiệu quả nhất định trong chăm lo sức khỏe tài chính của nguồn nhân lực. 

79% người lao động cảm thấy bớt căng thẳng về tài chính hơn kể từ khi được nhận lương linh hoạt qua ứng dụng GIMO [5]. Anh Đoàn Vũ Long – công nhân may tại Công ty TNHH NEWSTARS (Thái Bình) chia sẻ, việc nhận lương sớm đang giúp anh chủ động hơn trong chi tiêu hàng tháng, đặc biệt là khi đối mặt với những khoản chi đột xuất như con ốm hay có tai nạn bất ngờ.  

Chương trình phúc lợi tài chính nhận lương linh hoạt giúp người lao động chủ động hơn trong tài chính cá nhân
Chương trình phúc lợi tài chính nhận lương linh hoạt giúp người lao động chủ động hơn trong tài chính cá nhân

Đáng chú ý, 40% người lao động không còn hoặc ít sử dụng các dịch vụ tài chính phi chính thống kể từ khi được nhận lương linh hoạt [5].  Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, người lao động có thể nhận trước phần lương tích lũy khi cần một cách an toàn và tiện lợi, thay vì phải tìm đến những dịch vụ tiềm tàng nguy cơ như cầm đồ, vay nóng.  

Về phía doanh nghiệp, giải pháp lương linh hoạt cũng đang mang lại những hiệu quả tích cực trong quản trị nhân sự. 80% người lao động cảm thấy hài lòng hơn với chính sách của công ty kể từ khi được nhận lương linh hoạt [5]. Theo chị Nguyễn Thị Hương, quản đốc công xưởng tại Công ty TNHH May T&C tại Nam Định, việc nhận lương sớm mọi lúc mọi nơi qua GIMO giúp người lao động giảm bớt những lo lắng về kinh tế và tin tưởng, gắn kết với công ty của mình. Không khí sản xuất tại nhà máy cũng hứng khởi hơn, từ đó tạo tiền đề nâng cao hiệu suất lao động cho chính doanh nghiệp. 

Tại Việt Nam, vẫn còn hàng triệu lao động dễ tổn thương trước những bất ổn tài chính nhưng chưa thể hoặc không thể tìm đến những giải pháp chính thống và nhân văn. Những số liệu trong báo cáo của GIMO cho thấy nhận lương linh hoạt là chương trình phúc lợi thiết thực, với những tác động bước đầu trong việc nâng cao sức khỏe tài chính của nguồn nhân lực. Tuy nhiên, việc phổ biến giải pháp này tới hàng triệu người lao động Việt Nam sẽ là một thử thách không nhỏ. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực chi và nhận lương linh hoạt sẽ cần chú trọng tới quy trình tư vấn và hướng dẫn cách tiếp cận, sử dụng các giải pháp tài chính số cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Tìm hiểu thêm về những tác động bước đầu của Nhận lương linh hoạt tới doanh nghiệp và người lao động Việt Nam tại đây: https://baocao.gimo.vn/2022

Nguồn

[1] 1/3 công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để chi tiêu, 2022 – Nghề nghiệp & Cuộc sống 

[2] Lương không đủ sống, công nhân phải đi vay nợ, 2022 – VNEconomy 

[3] 11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hằng tháng, 2022 – Nhịp sống kinh doanh 

[4] Làm gì để xử lý tình trạng tín dụng đen bủa vây công nhân, khu công nghiệp?, 2022 – Lao động 

[5] Mô hình Nhận lương linh hoạt: Tác động bước đầu đến doanh nghiệp và người lao động phổ thông Việt Nam, 2022 – GIMO