Nền kinh tế đang trên đà phục hồi nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đau đầu đối diện với bài toán thiếu hụt lao động phổ thông.
Doanh nghiệp vẫn cần lao động phổ thông
Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động với 100% công suất. Cùng với đó, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng và đặc biệt là làn sóng hồi hương cũng khiến tình trạng thiếu lao động ngày càng rõ rệt.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/12/2021, khoảng 2,2 triệu người hồi hương do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư kéo dài. Trong đó, hầu hết là người lao động di chuyển từ các thành phố lớn và các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam về quê lánh dịch [1].
Sau giai đoạn giãn cách, chỉ 58% người lao động đã về quê có dự định quay trở lại TP.HCM làm việc, 42% còn lại đều khẳng định sẽ không quay lại thành phố [2]. Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong quý 1/2022 xảy ra sự thiếu hụt khoảng 120.000 lao động tại một số địa bàn, khu vực, cao hơn những năm trước khoảng 2-3%. Phần lớn trong số đó là lao động phổ thông trong lĩnh vực chế biến, sản xuất [3].
Bước vào quý 2/2022, khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại với công suất cao, nhu cầu tuyển dụng có thể lên tới 700.000 lao động [4].
Chưa đáp ứng kì vọng của người lao động
Trao đổi về lí do của tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, “vấn đề cốt lõi nhất là chính sách tiền lương, bảo hiểm cho người lao động cùng những hỗ trợ nhằm bảo đảm an sinh cho người lao động”. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp muốn tuyển dụng lao động tay nghề cao, số lượng lớn, nhưng phúc lợi lại chưa thể đáp ứng nhu cầu của người lao động [5].
Bên cạnh đó, giá cả sinh hoạt tăng cao sau dịch bệnh cũng là một lí do khiến các lao động e ngại quay trở lại các vùng kinh tế trọng điểm. Tính chung quý I/2022, chỉ số gia tiêu dùng tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước [6]. Trong khi đó, mức lương tối thiểu vùng lại chưa được điều chỉnh trong vòng 2 năm qua.
Theo TS. Phạm Thị Thu Lan – Phó viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, người lao động rời thành phố về quê một phần là vì họ không có tích luỹ trong quá trình làm việc, kể cả những người làm lâu năm [7].
Gia tăng phúc lợi, giữ chân lao động
Để ngăn chặn sự đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách, giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao đời sống công nhân. Nổi bật là chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ cho các lao động làm việc tại các khu công nghiệp – khu chế xuất hoặc các vùng kinh tế trọng điểm theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022. Hay mới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận đề xuất mức tăng 6% đối với lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 để trình Chính phủ xem xét quyết định.
Nhiều doanh nghiệp cũng chủ động tăng lương, giúp công nhân ổn định cuộc sống trước mắt. Qua khảo sát của Báo Người Lao Động đầu năm 2022, mức nâng lương ở các công ty tại Việt Nam thấp nhất 250.000 đồng/tháng, cao nhất 350.000 đồng/tháng [8].
Bên cạnh những điều chỉnh về chế độ lương thưởng, doanh nghiệp cũng nên đưa ra những chế độ chăm sóc và đãi ngộ hấp dẫn hơn, để người lao động an tâm làm việc.
Điển hình tại như một số công ty tại TP. Hồ Chí Minh, việc học tập nâng cao trình độ là yêu cầu bắt buộc và DN sẽ đài thọ toàn bộ chi phí cho NLĐ [9].
Ngoài ra, trong thời đại công nghệ phát triển, không khó để các công ty có thể tìm đến những chương trình phúc lợi hiện đại như giải pháp chi và nhận lương linh hoạt. Theo đó, người lao động có thể nhận lương sớm bất cứ lúc nào thông qua ứng dụng điện thoại tích hợp với hệ thống quản trị nhân sự của doanh nghiệp.
Trên thực tế, mô hình lương linh hoạt đã khá phổ biến trên thế giới với sự nhập cuộc của nhiều tập đoàn lớn như Walmart hay Paypal, giúp họ giảm tỷ lệ lao động nghỉ việc trung bình lên đến 41% [10]. Tại Việt Nam, một số công ty lớn như Austdoor cũng đã áp dụng mô hình này.
Nền kinh tế phục hồi và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. Để thu hút và giữ chân lao động, doanh nghiệp sẽ cần áp dụng đa dạng các chương trình phúc lợi hơn nữa.
Nguồn:
[1] Hơn 2,2 triệu lao động bỏ thành phố về quê, 2021 – Báo VnExpress
[2] Báo cáo thị trường lao động phổ thông trong và hậu giãn cách, 2021, Trang vieclamtot.com
[3] Tìm các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, 2022 – Báo Vietnamplus
[4] “Chìa khóa” để thu hút và “giữ chân” người lao động sau Tết, 2022 – Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam
[5] Nhu cầu tuyển dụng lao động năm 2022 tăng cao, 2022 – Báo Người Lao động
[6] Báo cáo Tình hình Kinh tế – Xã hội quý I năm 2022, 2022 – Tổng cục Thống kê
[7] “Chìa khóa” nào để thu hút và giữ chân người lao động?, 2022 – Báo Công thương
[8] Tìm tiếng nói chung, 2022 – Báo Người Lao động
[9] KHÓ TUYỂN LAO ĐỘNG CHẤT LƯỢNG CAO: Đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp, 2022 – Báo Người Lao động
[10] Even, 2022